Hành trình về phương Đông | Chương 8: Đời sống siêu nhân loại
Cuộc gặp gỡ những đạo sư đại diện cho nền minh triết cổ truyền xứ
Ấn đã làm cho phái đoàn phấn khởi; nhưng còn các bậc Chân sư (Rishi),
những vị này như thế nào? Tại sao một vị chân sư bí mật gửi thông điệp
cho các đạo sư yêu cầu giúp đỡ phái đoàn?
Đây là một dấu hỏi lớn mà mọi người hết sức thắc mắc. Liệu chúng tôi có
thể gặp các bậc chân sư không? Những vị này ở đâu? Giáo sư Mortimer đã
hỏi giáo sư Kavir, và ông này cho biết có quen một đạo sĩ tu hành tên
Akila Bakhtir vốn thường qua lại nhiều trong dãy Tuyết Sơn và có kiến
thức rộng về những hiền triết ẩn tu nơi đây. Phái đoàn bèn tìm đến đạo
sĩ này. Đó là một ông lão gầy như hạc, vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười.
Giáo sư Mortimer nôn nóng:
- Theo lời truyền tụng thì ông đã có dịp tiếp xúc với các đạo sĩ ở Tuyết Sơn?
Đạo sĩ xác nhận:
- Đúng thế, tôi đã có dịp gặp gỡ các bậc thánh nhân đó.
- Ông tin rằng họ là những thánh nhân?
- Dĩ nhiên, không những tôi tin mà còn biết rõ họ là những bậc hiền giả.
- Dựa vào tiêu chuẩn nào mà ông quả quyết như vậy? Họ có biểu diễn
quyền năng hay làm gì khác người không? Liệu có thể có những bậc siêu
nhân như vậy không?
Đạo sĩ gật đầu:
- Sự có mặt trên thế gian của những bậc thánh nhân là điều hợp lý, nếu
ta tin các luật: Luân hồi, Quả báo, Tiến hóa và Nhân quả. Nếu quan sát,
ta sẽ thấy con người đều có các trình độ khác nhau. Có người kém ta rất
xa, có người lại hơn ta rõ rệt. Nếu nhân loại tuần tự tiến hóa thì trải
qua nhiều kiếp sống, tất phải có những người đã tiến bộ rất xa chứ. Theo
tôi biết, đã có những người tiến xa hơn hàng ngũ nhân loại hiện nay, đã
khai mở một vài giác quan thượng đẳng, quyền năng siêu việt. Ta gọi họ
là bậc Thánh nhân. Sự thực, các quyền năng này đều tiềm tàng trong mọi
người chúng ta, chờ đợi cơ hội khai mở. Khi khai mở các quyền năng này,
ta sẽ thấy rõ các nấc thang tiến hóa của nhân loại và nhận định rằng ở
mỗi nấc thang đều đã có kẻ đạt đến. Lịch sử các quốc gia đều chứa đựng
công trình vĩ đại của các bậc vĩ nhân trên mọi lĩnh vực hoạt động. Những
người này, trong phạm vi riêng biệt của họ, đã vượt xa quần chúng và
tầm hiểu biết của những người đương thời. Thí dụ như các nhà bác học,
các nhà tư tưởng lớn. Sự tiến hóa chẳng qua chỉ là biểu lộ của sự sống
thiêng liêng, con người càng ngày càng trở nên tốt đẹp, tế nhị vì sự
sống vô cùng cần được biểu lộ qua hình thể đó. Một bậc toàn thiện là
việc tự nhiên, hợp lý do sự kết tinh đến mức tuyệt đỉnh của một con
đường tiến hóa dài và liên tục. Tất cả kinh điển mọi tôn giáo đều chứng
minh sự hiện diện của các bậc siêu nhân. Mọi tôn giáo khi thành lập đều
có các bậc thánh nhân xuất hiện. Người Ấn có các thần linh như: Brahman,
Vishnu, Shiva hoặc các đấng cao cả như Krishna, Sancharacharya. Tín đồ
Phật giáo thì có Đức Thích Ca, Đức Quan Thế Âm. Tín đồ Thiên Chúa giáo
thì có Đấng Jesus, các nhà tiên tri, các bậc thánh; các bộ lạc man dã
cũng có các thần linh riêng của họ.
- Xin ông giải thích rõ hơn về sự tiến hóa này?
- Luật tiến hóa vũ trụ định rằng mọi vật đều thay đổi theo thời gian để
tiến trên những con đường định sẵn. Dĩ nhiên, đi nhanh hay chậm còn tùy
cá nhân và hoàn cảnh chung quanh. Loài thảo mộc là kết tinh của loài
kim thạch, loài cầm thú sau thảo mộc, và loài người tiếp theo loài cầm
thú. Cũng như thế, loài người có một cứu cánh nhất định, một giới hạn mà
khi họ vượt qua thì họ sẽ bước vào một giai đoạn mới. Nói một cách
khác, trên loài người là đời sống Siêu Nhân Loại. Trong mỗi con người có
ba phần chính: xác thân, linh hồn và tinh thần. Tinh thần là điểm linh
quang tiềm tàng trong mọi con người mà ta gọi bằng nhiều danh từ khác
nhau như Phật tính, Chân ngã, Thần tính, v.v.
- Dựa vào đâu mà ông đưa ra thuyết này?
- Đây không phải là một giả thuyết. Trong sự tu luyện, tôi ý thức được
điều này. Các tôn giáo lớn cũng nói như thế. Đức Phật đã nói: “Mọi chúng
sinh đều có Phật tính”. Thánh Paul định nghĩa con người gồm ba phần:
xác, hồn, thần… Sự tiến hóa là sự trở về với Thượng đế, trở về với con
người thật của mình, phát triển Phật tính của mình trọn vẹn, để giác
ngộ. Danh từ tuy khác nhưng nội dung đều giống nhau, tôi cố gắng giải
thích theo quan niệm mà người Âu có thể hiểu được. Sự hợp nhất với
Thượng đế nghĩa là trở về với ngài, vì chúng ta đều là một phần của
ngài. Theo sự hiểu biết của tôi về luật tiến hóa thì với con người, thể
xác họ đã phát triển khá hoàn hảo nhưng đa số vẫn chưa làm chủ được xác
thân. Một người tiến cao là người đã làm chủ được xác thân, đặt nó dưới
sự kiểm soát của lý trí và linh hồn. Một người kém tiến hóa là người còn
nhiều thú tính, chỉ lo nghĩ đến các đòi hỏi của thể xác như ăn uống,
ngủ nghê, tình dục. Chính vì thế, họ sẽ gặp nhiều đau khổ để học cách
làm chủ xác thân. Thế gian là một trường học mà trong đó có yếu tố đau
khổ. Sau khi làm chủ được xác thân là việc kiềm chế thể vía. Thể vía hay
tư tưởng là điều rất khó kiểm soát, chinh phục. Ta thấy nhiều người tuy
đã kiểm soát hành động của xác thân, nhưng vẫn còn để tư tưởng chạy
lung tung như ngựa bất kham, không theo một đường hướng nào nhất định.
Sự định trí, bắt tư tưởng phải theo một đường lối suy nghĩ sẽ đưa ta đến
sự kiểm soát thể vía. Sau đó là sự kiểm soát thể trí, nghĩa là sử dụng
trí tuệ để suy nghĩ, phân biệt, phá tan các tà kiến, các màng che phủ
của vô minh. Định trí suy nghĩ là một việc, nhưng suy nghĩ chân chính,
đúng đắn lại là một việc khác. Chỉ khi nào cả ba thể: xác, hồn, trí hoàn
toàn được kiểm soát thì ta sẽ hòa hợp với Chân ngã. Từ đó, phàm nhân và
Chân nhân hòa hợp làm một, con người sẽ tiến hóa đến một giai đoạn mới,
trở thành một bậc chân tiên. Khi đó, con người bước vào một đời sống
trường cửu của tinh thần, đời sống của “Đấng Christ”. Đó là một đời sống
huy hoàng, tốt đẹp, vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, và không thể
diễn tả bằng ngôn ngữ.
- Ông tin rằng tất cả đều tiến tới đời sống đó?
- Dĩ nhiên, tiến hóa là một định luật vũ trụ và rồi ai cũng sẽ phải đi
trọn con đường đó. Ta có thể làm ác, ích kỷ, đi ngược dòng tiến hóa,
nhưng như thế ta chỉ làm chậm trễ sự tiến bộ của mình chứ không thể chặn
đứng được dòng tiến hóa của nhân loại. Vấn đề đặt ra là thời gian, con
người có thể đi đến cái đích đó trong thời gian ngắn nhất hoặc dài nhất.
Thí dụ như ta có thể bơi xuôi dòng, ngược dòng hay chơi vơi ở một chỗ,
nhưng dòng nước vẫn chảy và dù muốn hay không trước sau gì ta cũng trôi
từ nguồn đến biển cả. Sống thuận theo thiên ý là bơi xuôi dòng, nghịch
thiên ý là ngược dòng. Đa số con người thường chơi vơi, không nhất
quyết, lúc chìm đắm, khi nổi trôi, có lúc ngược dòng, có khi lại xuôi
dòng vì chưa có ý thức sáng suốt để nhận định con đường phải theo.
- Nhưng làm sao biết đường nào là đường phải theo?
- Chính vì con người bơ vơ, lạc lối nên mới có các bậc Thánh nhân chỉ
bảo hướng dẫn. Sự hiện diện của Đức Phật, Chúa, Krishna…và các vị giáo
chủ khác là để hướng dẫn cho nhân loại. Tiếc thay, con người chỉ thích
ai nói thuận ý mình, đúng với điều mình mong ước, chứ không thích những
điều “đúng sự thật”, không thích bị đánh thức…
- Làm sao mình có thể biết được đâu là “đúng sự thật”?
- Con người có trí khôn, có óc phân biệt để làm gì? Tại sao không chịu sử dụng chúng để lựa chọn một con đường tốt đẹp?
- Ông muốn nói đến con đường đạo? Làm sao ta có thể bước vào cửa đạo?
Đạo sĩ vuốt râu mỉm cười:
- Có bốn nhân duyên đưa ta đến cửa đạo. Nhân duyên thứ nhất là gần gủi,
tiếp xúc, thân cận với những bậc thiện tri thức, những người đang đi
trên đường đạo. Thí dụ như trong một tiền kiếp ta có dịp tiếp xúc với
một vị đạo sư, giám mục, một người bề trên có kinh nghiệm tâm linh sâu
xa. Chúng ta hết sức khâm phục và thiết tha mong rằng ta sẽ có các kinh
nghiệm như vậy. Một hoài bão như thế chắc chắn sẽ giúp ta gặp đạo trong
kiếp sau. Nhân duyên thứ hai là nghiên cứu sách vở, nghe giảng giải về
đạo lý. Càng ham nghiên cứu ta càng muốn tìm hiểu và đi sâu vào đạo
nhiều hơn, và dĩ nhiên khi hiểu biết, ta sẽ thay đổi đời sống để cho nó
có ý nghĩa hơn và đó là bước chân vào đường đạo. Nhân duyên thứ ba là sự
mở mang trí tuệ, vì một lý do nào đó, ta nhận thức những việc xảy ra
rồi phân vân, đặt câu hỏi tại sao nó lại xảy ra như vậy? Từ sự hoài nghi
ta suy gẫm, quan sát, học hỏi bằng sức mạnh của tư tưởng và có thể khám
phá ra chìa khóa mầu nhiệm, các nguyên tắc đạo lý. Đây là con đường tu
Thiền Định mà các ông đã nghe nói đến. Nhân duyên thứ tư là sự trau dồi
hạnh kiểm, tu thân, làm các việc thiện, mở rộng lòng bác ái, quên mình
để giúp đỡ mọi người và dần dần ánh sáng tâm linh sẽ soi sáng hồn ta.
- Xin ông cho biết thêm về các bậc siêu nhân mà ông đã từng tiếp xúc.
Bakhir mỉm cười, vuốt nhẹ chùm râu bạc:
- Tôi đã gặp nhiều đạo sư có quyền năng siêu việt, có vị đã sống nhiều
thế kỷ và đạt quả vị rất cao. Điều đặc biệt là các ngài xét mọi sự vật
với một quan niệm khác hẳn chúng ta vì trong tư tưởng các ngài không còn
một chút ích kỷ như đa số chúng ta. Các ngài đã loại trừ bản ngã thấp
hèn, không còn sống cho mình mà cho tất cả. Ngoài đặc tính đó, các ngài
còn phát triển hoàn toàn về mọi phương diện. Đa số chúng ta đều bất
toàn, không mấy ai đạt đến trình độ cao tột. Ngay cả các nhà thông thái,
bác học cũng chỉ đạt đến trình độ cao tột trên một phương diện nào đó
mà thôi, và còn nhiều khía cạnh khác chưa được hoàn hảo. Chúng ta đều có
mầm mống của mọi đặc tính, nhưng chỉ một vài phần thức động và phát
triển không đồng đều. Các bậc siêu nhân là người đã phát triển toàn vẹn
mọi đặc tính trên phương diện ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Phần lớn
các vị siêu nhân đều có hình dáng bề ngoài tốt đẹp. Xác thân các ngài
đều hoàn hảo về mọi phương diện và ít chịu ảnh hưởng của thời gian, có
vị đã sống nhiều thế kỷ mà trông vẫn khỏe mạnh như một người ngũ tuần.
Tôi đã gặp một vị đạo sư sống hơn 2.000 năm nay, ngài cai quản một viện
cổ tàng trong lòng núi. Viện cổ tàng này chứa đựng rất nhiều tài liệu
dồi dào phong phú, dường như để ghi lại dấu tích toàn thể lịch sử tiến
hóa của nhân loại. Trong đó có chứa đựng các hình thể của nhiều giống
người đã sống trên mặt địa cầu, từ giống dân Lemurian đến các loài người
khổng lồ từ thời xa xưa. Có các mô hình diễn tả sự biến đổi của lớp vỏ
địa cầu sau các thiên tai, cũng như sự di chuyển của các giống dân trên
các lục địa. Có các bản thảo bút tự rất cổ của các bậc đạo sư, giáo chủ,
như có một bản viết của chính Đức Phật khi ngài còn là thái tử
Siddharta. Có các ngăn tủ bằng gỗ lim kiên cố chứa các tài liệu giáo lý
nhiệm mầu, có thứ viết bằng các văn tự lạ lùng của những nền văn minh đã
biến mất từ lâu. Ngoài ra còn có các bản đồ, mô hình các thành phố cổ
xưa của quá khứ cũng như các di tích động vật rất cổ xưa….
Giáo sư Mortimer lên tiếng:
- Ông có nhớ chỗ đó không? Làm sao có thể đến nơi đó được?
Đạo sĩ nghiêm nghị:
- Dãy Hy Mã Lạp Sơn không phải nơi ai muốn đi, muốn đến dễ dàng được vì
nó chứa đựng nhiều bí mật huyền bí và có các tinh linh canh giữ. Phải
có một nhân duyên lớn mới có thể đến các thánh địa đó được.
- Nhưng tại sao các bậc siêu nhân lại cứ ẩn lánh, không ra mặt giúp đỡ
nhân loại, không công bố các tài liệu mầu nhiệm đó cho mọi người? Cất
giấu như thế có lợi gì đâu?
- Các ngài lúc nào cũng giúp đỡ nhân loại bằng cách ban rải các luồng
thần lực xuống trần gian để muôn loài có thể hưởng thụ, chẳng khác nào
ánh sáng mặt trời đối với cây cỏ. Sự giúp đỡ của các ngài hết sức rộng
lớn, ngoài sự tưởng tượng và tầm hiểu biết của con người. Việc công bố
hay cất giấu các tài liệu đều có lý do mà ta không thể nghĩ bàn được…
- Theo thuyết tiến hóa ông vừa trình bày, thì trên con người còn có một
đời sống siêu nhân, và như thế hẳn còn các bậc cao cấp nữa?
Bakhir bật cười một hồi rồi mới trả lời:
- Các ông vẫn còn quan niệm cấp bậc, hơn kém, chức tước….Một khi đã
giải thoát khỏi luân hồi sinh tử và trở nên một bậc chân tiên (Asekha)
thì thánh đạo chia ra làm bảy con đường cho các ngài chọn lựa. Dĩ nhiên,
sự hiểu biết của tôi còn nông cạn và thiếu sót nên tôi chỉ có thể cắt
nghĩa một cách sơ lược. Các ngài có thể bước vào những cảnh giới vượt xa
tầm hiểu biết của chúng ta, các cảnh giới này có tên gọi như: Niết bàn,
Thượng thiên, Phi tưởng phi phi tưởng xứ… Sau khi bước vào các cõi này,
một ngày nào đó các ngài sẽ chuyển kiếp xuống trần trong bầu thế giới
tương lai như một bậc giáo chủ - đây là con đường Dharmakaya. Các ngài
có thể bước vào trạng thái tâm linh với một ý nghĩa huyền bí mà tôi
không biết rõ - đây là con đường Sambhogakya. Các ngài có thể hòa hợp
với kho thần lực vũ trụ để làm các công việc hợp với định luật vũ trụ -
đây là con đường Nirmanakya. Các ngài có thể ở lại thế gian, giúp đỡ
nhân loại, dưới hình thức một vị Bồ tát - đây là con đường Bồ Tát Đạo
(Boshivartakya). Ngoài số này ra thì những con đường khác ra sao tôi
không được biết rõ. Theo sự hiểu biết của tôi thì số người giải thoát đã
ít mà số người ở lại để giúp đỡ thế gian còn ít hơn. Hiện nay, tất cả
đang chuẩn bị cho một vận hội mới, đó là sự lâm phàm của một đức chưởng
giáo tương lai mà danh từ chính xác nhất gọi là Di Lặc Bồ Tát.
Bakhir im lặng một hồi rồi tuyên bố:
- Một ngày nào đó các ông sẽ hiểu biết rõ hơn điều tôi muốn nói. Thật
ra các điều này đã được tiên đoán từ lâu và lưu trữ trong một viện cổ
tàng ngầm dưới lòng núi xứ Tây Tạng. Các tài liệu này được các đức Lạt
Ma giữ gìn rất cẩn thận.
- Làm sao chúng tôi có thể xem các tài liệu vô giá đó? Xứ Tây Tạng vẫn
còn chính sách bế môn tỏa cảng, không giao tiếp với bên ngoài, nhất là
với người da trắng.
Bakhir mỉm cười bí mật:
- Này các ông bạn, tôi chỉ có thể nói như thế này thôi. Sự hiện diện
của các ông tại xứ Ấn Độ không phải một việc ngẫu nhiên. Các ông tốn
suốt mấy năm đi sưu tầm chân lý mà có thấy gì đâu, có đúng không? Đó
chẳng qua chỉ là một thử thách mà thôi. Các ông không thấy chỉ một thời
gian ngắn mà các ông đã tiếp xúc với các đạo sư minh triết nổi tiếng
nhất Ấn Độ và được tiết lộ những điều chưa từng công bố cho một người Âu
nào? Nếu không có thông điệp của một vị Chân sư thì làm sao các ông gặp
được những người mà ngay cả tín đồ thuần thành nhất xứ Ấn cũng không dễ
gì gặp được. Trong một xã hội đầy dị đoan mê tín, hình bóng chân lý gần
như phai mờ, người dân xứ này muốn gặp còn phải mất công, thế mà các
ông được chỉ dẫn những điều vô giá một cách dễ dàng. Có bao giờ các ông
tự hỏi tại sao không? Một người Âu chả bao giờ chịu ngồi chung chiếu với
người Ấn, vì hệ thống dị biệt, nhưng các ông đã gác bỏ thành kiến đó,
dẹp bỏ tự hào dân tộc để ngồi cạnh những đạo sư rách rưới, đó là một cố
gắng không nhỏ. Các ông đã vạch qua rừng người mê tín, các đạo sĩ giả
mạo, bịp bợm, các tu sĩ không chân chính để tìm gặp những người đáng gặp
gỡ và chăm chú nghe dạy bảo, đó không phải là việc dễ dàng. Có thể các
ông không biết, nhưng các ông đã vượt qua những thử thách phi thường.
Tây Tạng không bao giờ đón nhận một du khách bên ngoài, nhưng với các
ông sẽ là một ngoại lệ, vì các ông được che chở bởi một vị Chân sư. Các
ông sẽ lãnh một sứ mạng lớn là kêu gọi thế giới bên ngoài hãy quay về
phương Đông, với quê hương tinh thần của họ. Quay về không phải để tìm
kiếm một chân lý mới, một tôn giáo mới hay một kiến thức gì mới lạ. Mà
để hiểu biết rằng chân lý luôn luôn ẩn tàng khắp nơi, tôn giáo chỉ là
những con đường khác nhau đưa đến chân lý.
Toàn thể phái đoàn yên lặng nhìn nhau. Quả là thế, chỉ một thời gian
ngắn mà họ đã gặp biết bao đạo sư, được chỉ dạy những chân lý quý báu.
Đó không phải một may mắn tình cờ mà như có sự sắp đặt trước.
- Ông biết rằng có một vị Chân sư muốn giúp đỡ chúng tôi?
- Đúng thế! Tôi biết rõ chuyện này nên các ông mới có thể gặp tôi hôm
nay. Tôi biết các ông đang khao khát sự hiểu biết, thật ra một số trong
các ông đã từng học đạo từ tiền kiếp, nay trở lại Ấn Độ dưới bộ da người
ngoại quốc. Tuy nhiên, các ông không nhớ những điều đã học. Nhưng khi
nhân duyên đến, các ông sẽ phục hồi ký ức. Định mạng đã dẫn dắt các ông
trở lại châu Á để hoàn tất một sứ mạng cao cả…
Toàn thể mọi người ngạc nhiên và xúc động vô cùng. Lòng ao ước gặp vị
Chân sư bí mật gia tăng. Giáo sư Mortimer cố gắng thốt lên vài câu:
- Nhưng đến bao giờ chúng tôi mới có thể gặp ngài?
- Thời gian không còn lâu nữa, đến khi đó các ông sẽ biết. Tôi chỉ có thể nói đến đây thôi.
Phái đoàn im lặng hồi lâu, sau cùng giáo sư Wentz lên tiếng:
- Chúng tôi nghe nói ông biết thuật khinh công?
Đạo sĩ bật cười:
- Điều này đâu có gì lạ. Chỉ là một phương tiện di chuyển tầm thường, nhỏ mọn mà thôi.
- Nhưng điều này phản khoa học, làm sao có thể chứng minh được?
Bakhir mỉm cười gõ nhẹ lên chiếc gậy trúc, bất ngờ thân hình ông ta
nhấc bổng lên không trung như có một sợi dây vô hình kéo lên. Ông ta vẫn
ngồi yên trong tư thế liên hoa không cử động. Toàn thể mọi người sửng
sốt, tuy họ đã chứng kiến nhiều phép lạ nhưng sự kiện bay bổng lên không
trung là một điều lạ lùng, ngoài sự tưởng tượng. Đạo sĩ bỗng xoay mình,
thân thể ông bỗng như một cơn lốc bay vọt ra xa với một tốc độ rất
nhanh, chỉ trong chớp mắt ông đã xa cách phái đoàn đến mấy chục thước.
Đạo sĩ nói vọng lại:
- Này các ông, tại sao con người lại phải bò lết trên mặt đất? Nếu loài
người có quyền năng hơn loài thú thì chúng ta phải bay cao hơn chim,
lội nhanh hơn cá chứ? Tại sao chúng ta không làm được như vậy? Phải
chăng đó là quan niệm duy vật về bản chất của mình? Tư tưởng chúng ta
nghĩ rằng mình chỉ có thể đi được mà thôi. Tùy cảm nghĩ mà con người bị
giới hạn hay không giới hạn, tự do hay nô lệ. Nếu biết rõ mình và phát
triển khả năng của mình một cách đúng đắn, họ có thể làm hầu như mọi
chuyện.
Đạo sĩ lao mình vùn vụt trên con đường đất ngoằn ngoèo. Chỉ mấy phút
ông đã mất hút, để lại phía sau một đám bụi mờ. Tất cả mọi người xúc
động không ai nói nên lời, giáo sư Mortimer cầm máy ảnh nhưng cũng không
sao chụp được.
Nhận xét
Đăng nhận xét