Tiếng Phạn
Trước đây, tiếng Phạn chỉ dùng trong giới hạn để chỉ tiếng Sanskrit.
Tuy nhiên, ngày nay tiếng Phạn có thể được dùng để chỉ hai thứ tiếng bao gồm Sanskrit và Pali. Nếu như chúng ta đề cập tiếng Phạn chung chung thì người nghe có thể lẫn lộn giữa hai thứ tiếng này. Cũng có người phân biệt dựa trên vị trí địa lý khi dùng từ “Bắc Phạn” để chỉ tiếng Sanskrit và “Nam Phạn” để chỉ tiếng Pali.
Giữa tiếng Sanskrit và Pali có nhiều sự tương đồng. Theo lời khuyên của các học giả thì nên học tiếng Sanskrit trước sau đó chuyển sang học Pali thì sẽ tiếp thu rất nhanh. “Người biết Pali muốn học Sanskrit cần phải học lại từ đầu; còn người biết Sanskrit muốn học Pali chỉ mất 3 tháng.” Đây là lời khuyên của Dr. Richard Salomon, một giáo sư cổ ngữ Ấn Độ nổi tiếng của Mỹ và điều này đã được áp dụng thành công bởi một số dịch giả Pali – Sanskrit hàng đầu hiện nay.
Tiếng Sanskrit có thể được ghi bằng nhiều loại chữ khác khác nhau. Loại chữ xưa nhất để ghi thứ tiếng này là chữ Brahmi, Kharosthi (thế kỷ thứ 1 trước tây lịch), kế đến là chữ Gupta (thế kỷ 4-8) và nhiều loại chữ khác. Tóm lại, tất cả các loại chữ thuộc họ Brahmi đều có thể ghi được tiếng Sanskrit. Riêng tiếng Sankrit Phật giáo, qua khảo cổ, có thể tìm thấy các bản chép tay bằng chữ Kharosthi, Siddham và Lantsa.
Trong các tài liệu hiện đại thì tiếng Sanskrit được ghi bằng chữ Devanagari và chữ Latin.
____________
Nguồn: http://kinhmatgiao.wordpress.com/hoc-tieng-phan/
Nhận xét
Đăng nhận xét